Pháo hạm Tàu khu trục lớp Kongō (1990)

Pháo hạm 127mm TanSo-ho.

Pháo hạm 127 mm TanSo-ho

Pháo chính của tàu là pháo hạm 127 mm TanSo-ho có chiều dài nòng gấp 54 lần đường kính do Công ty Japan Steel Works sản xuất theo giấy phép của Công ty OTO Melara, Italia. Tốc độ bắn nhanh cùng với khả năng bắn nhiều loại đạn đặc biệt khiến TanSo-ho thích hợp với nhiều vai trò như tấn công tàu chiến đối phương trên mặt nước, phòng không và pháo kích bờ biển yểm trợ cho chiến dịch đổ bộ, tấn công nhanh.

Pháo có trọng lượng 21,6 tấn, chiều dài nòng 6,85m (tuổi thọ 8.000 phát đạn), tốc độ bắn từ 16 - 20 viên/phút, tầm bắn tối đa 24 km, lên đến 37 km với đạn dẫn đường tầm xa Vulcano. Để vận hành liên tục, TanSo-ho đòi hỏi cần có 6 binh sĩ trên boong tàu (chỉ huy pháo, người điều khiển và 4 người tiếp đạn) để có thể tác chiến liên tục.

TanSo-ho có thể bắn được bốn loại đạn khác nhau bao gồm loại xuyên giáp, gây cháy, văng mảnh trực tiếp và thậm chí có thể được dẫn đường để phá hủy các tên lửa chống hạm. Theo đó, TanSo-ho được trang bị 4 ống tiếp đạn và được điều khiển hoàn toàn tự động bằng hệ thống máy tính tốc độ cao. Mỗi ống tiếp đạn chứa tối đa 14 quả đạn luôn ở chế độ sẵn sàng khai hỏa. Ngoài ra, pháo còn có thể được nạp đạn thêm trong khi nòng pháo vẫn đang bắn, thời gian nạp đạn giữa mỗi lần bắn chưa tới 1 phút. Quá trình ngắm bắn và điều chỉnh góc tà nòng pháo được điều khiển thông qua các hệ thống điện tử tự động, trong khi hệ thống nạp đạn được điều khiển thủy lực.Khoang chứa đạn của pháo có thể mang theo tới 680 đạn pháo cho phép tác chiến trong thời gian dài.[7] 

Hệ thống phòng không tầm gần (CIWS) Mk-15 Phalanx và hệ thống phóng thẳng đứng VLS Mk-41 mod 6 của tàu JDS Kirishima DDG-174
Hệ thống Mk-15 Phalanx của JDS Mirai (DDH-182) trong trạng thái trực chiến.
Các binh sĩ Hải quân Mỹ đang nạp đạn 20mm cho hệ thống Mk-15 Phalanx của tàu USS John S. McCain (DDG 56), ngoài khơi vùng biển phía nam Iraq, ngày 11 tháng 2 năm 1998.

Hệ thống phòng không tầm gần (CIWS) Mk-15 Phalanx

Hoả lực phòng không tầm gần (CIWS) của tàu là hệ thống Mk-15 Phalanx. Mk-15 Phalanx là hệ thống khép kín tích hợp bao gồm pháo, đạn và radar lắp trên 1 bệ duy nhất. Hệ thống được Chi nhánh Pomona thuộc Công ty General Dynamics phát triển vào những năm 1970 (năm 1992 phân hãng này sáp nhập vào công ty Hughes Missile Systems, hiện nay nhập vào công ty Raytheon Systems). Hệ thống thử nghiệm lần đầu vào năm 1973, MK-15 lần đầu tiên được biên chế trên tàu sân bay USS Coral Sea vào năm 1978. Hệ pháo này được đánh giá là có thể chấp nhận được và có thể lắp lên bất kỳ tàu mặt nước nào mà không cần có sự sửa đổi quan trọng trên tàu, Phalanx hiện đang được lắp đặt trên tất cả các tàu chiến mặt nước của Mỹ và trên tàu chiến của hơn 20 nước khác.

Hệ thống Phalanx gồm pháo 6 nòng bắn nhanh Gatling M61A1 Vulcan cùng một radar hoạt động trên băng tầng K lắp trên một bệ mang duy nhất thay đổi góc tà bằng pittông. Trong điều kiện chiến đấu, radar sẽ rà soát bầu trời, xác định các mục tiêu và lọc ra mục tiêu nguy hiểm nhất. Sau khi xác định được mục tiêu, radar điều khiển hỏa lực sẽ tính toán chính xác vị trí của địch để pháo 6 nòng Gatling M61A1 Vulcan khai hỏa. Radar của hệ thống Phalanx CIWS được chế tạo theo công nghệ chỉ điểm khép kín, có khả năng phát hiện máy bay từ cự ly 18 km, tên lửa hành trình có diện tích phản xạ radar 0,1 m² từ khoảng cách 12 km và bám bắt trong tầm 5 km.

Điểm đặc biệt của Phalanx là ở chỗ nó có hệ thống nạp đạn bằng điện chứ không dùng trích khí khóa nòng. Điều này cho phép nó đạt tốc độ bắn cực nhanh, nhịp bắn 3000 viên/phút hoặc 4500 viên/phút đối với các module thế hệ sau, tầm hiệu quả đạt 1.000 - 1.500 m và gần như không giật. Mk-15 có cự ly tác chiến lên tới 6.000 m, thời gian phản ứng 2 - 4 giây, thời gian chuyển làn là 4 giây. Được trang bị băng đạn 1.550 viên, Gatling M61A1 Vulcan bắn rất nhanh, trong trường hợp bắn hết tốc lực khẩu pháo này chỉ bắn được vỏn vẹn có 15 giây trước khi phải thay đạn. Việc nạp đạn phải làm bằng tay, sẽ cần 2 người để thay đạn, mỗi lần thay mất khoảng 5 phút. Do tốc độ bắn quá cao nên nó phát ra tiếng "zitttt" rất đặc trưng, đây cũng là lý do khẩu pháo này còn có tên gọi "Sea-whiz" có nghĩa là "Tiếng rít của đại dương"

Tùy theo mục tiêu đường không hay mặt đất mà pháo sẽ bắn ra đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp (thông thường 1 hộp tiếp đạn chứa đạn nổ mảnh trong khi hộp còn lại mang đạn xuyên giáp). Đạn xuyên giáp vỏ tự huỷ (APDS) 20 mm của Mk-15 sử dụng đầu xuyên 15 mm bằng kim loại nặng (vonfram hoặc uran nghèo) được bao quanh bằng một guốc đạn plastic và một phần đáy kim loại nhẹ. Vỏ đạn sau khi bắn sẽ được đẩy ra từ phần dưới của bệ pháo theo hướng về phía trước.

Cấu hình ban đầu của hệ thống Phalanx sử dụng cho các tàu của hải quân Mỹ được gọi là Block 0 để tạo ra lớp phòng thủ tên lửa đối hạm cơ bản chống các loại tên lửa đối hạm siêu âm, không vận động bay thấp hiện nay (ASM). Cấu hình Block A1 kết hợp một máy tính ngôn ngữ lập trình bậc cao (HOLC) nhằm tạo ra năng suất xử lý tốt hơn so với máy tính số đa dụng lạc hậu, các thuật toán điều khiển hoả lực đã được cải thiện để đối phó với các mục tiêu cơ động, tìm kiếm các toạ độ vũ khí để quản lý tác chiến tốt hơn và  chức năng kiểm tra toàn bộ (từ đầu đến cuối) để xác định những sai hỏng hệ thống. Nâng cấp chế độ mặt biển (Surface Mode Upgrade) Block 1B xây dựng trên những khả năng hiện có của cấu hình Block 1A với việc bổ sung các nòng pháo tối ưu (Optimised Gun Barrels - OGB) mới, đem lại tuổi thọ nòng súng cao, độ tản mát đạn được cải thiện và cự ly tác chiến tăng lên. Cả những nâng cấp cấu hình Block 1A và 1B đều tạo ra vùng bao quát góc tà tăng, không gian chứa đạn lớn hơn nhằm đạt dung tích thùng đạn từ 989 viên đến 1550 viên, và tăng tốc độ bắn lên 4500 phát/phút. Hệ Phalanx cũng có thể giao diện với bất kỳ hệ thống chiến đấu nào của tàu để cung cấp khả năng điều khiển khiển hoả lực và cung cấp thêm thông tin sensor, cũng như có thể chỉ điểm mục tiêu cho các vũ khí trên tàu như tên lửa khung khí động tròn xoay (RAM) của Raytheon.

Khi lọt vào tầm bắn của Phalanx CIWS, mọi mục tiêu - từ máy bay, tên lửa, bom hay đạn pháo - đều không thể thoát. Hệ thống pháo cao tốc này được điều khiển tự động hoàn toàn tvà chỉ cần 1 người giám sát. Phalanx CIWS có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 3,6 km. Trong một số điều kiện tác chiến, hệ thống Phalanx CIWS còn có thể bắn hạ các mục tiêu trên mặt nước, bao gồm các chiến hạm của đối phương.[4][5]